Tiêu Điểm
Phối ghép hệ thống audio – Khởi nguồn từ âm nhạc
Không phải ngẫu nhiên mà trong cùng phòng nghe, anh Sáu Ninh sử dụng hai bộ dàn lớn cầu kỳ và tốn kém. Theo anh, sở dĩ phải “đa sự” như vậy là do gu thưởng thức âm nhạc quyết định. Mỗi hệ thống, nguồn phát được anh sử dụng để thưởng thức một số thể loại nhạc phù hợp nhất, giúp nhanh có được cảm xúc sâu lắng và trọn vẹn với thể loại nhạc yêu thích.
PHÒNG NGHE LÝ TƯỞNG
Nhận lời mời của anh Sáu Ninh, một người bạn cùng thú đam mê, chúng tôi ghé thăm nhà anh vào một chiều cuối tuần để chia sẻ niềm vui và thưởng thức âm nhạc từ bộ dàn mà anh mới phối ghép.
Phòng nghe nhạc của anh trên tầng 3 của căn nhà trong ngõ lớn giữa trung tâm Tp.HCM. Căn phòng cách biệt với không gian sống và làm việc bên dưới. Đây là thế giới mà anh dành riêng cho niềm đam mê âm nhạc với những cuộc hội ngộ, đàm đạo về âm nhạc giữa anh và các bạn hữu vào ngày cuối tuần. Vào đến nơi, chúng tôi ngạc nhiên trước căn phòng nghe có diện tích lớn, khoáng đạt trong không gian mở, nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên. Anh Sáu Ninh tâm sự: “Khi xây nhà, tôi đã dành không gian thật lớn để làm phòng nghe với chiều rộng 5,8m, chiều dài 8m và trần cao 3,2m”. Đây là tỷ lệ khá lý tưởng để bố trí hệ thống âm thanh.
Phòng nghe được thiết kế theo phong cách hiện đại, với nội thất được thể hiện khá công phu. Toàn bộ tường và trần của phòng là những mảng stucco (tường gai) xen kẽ với mảng gỗ lớn vừa để trang trí, vừa có tác dụng như các thiết bị tiêu tán âm. Riêng bức tường phía sau hệ thống được điểm xuyết bằng bức rèm lớn ở hai góc khiến không gian mềm mại hơn. Nền nhà trải lớp thảm dày để giảm âm dội sàn.
Sự xuất hiện của hai bộ dàn lớn trong phòng nghe khiến chúng tôi bất ngờ. Giải thích cho sự cầu kỳ này, anh Sáu Ninh cho biết: Ngoài sở thích nghe các dòng nhạc country, blues và jazz, anh còn say mê nhạc trữ tình Việt Nam. Để thỏa mãn niềm đam mê này, anh đầu tư hệ thống analog riêng. Hơn nữa. mỗi hệ thống anh nghe vào thời điểm khác nhau trong ngày. Vị trí chính trong phòng là hệ thống dùng nguồn âm digital, bố trí theo chiều dọc của phòng. Hệ thống dùng nguồn analog đặt theo chiều ngang phòng. Vì có đến hai hệ thống âm thanh, nên anh bố trí nhiều vị trí ngồi nghe nhạc khác nhau.
HỆ THỐNG NHIỀU ĐƯỜNG TIẾNG VỚI NGUỒN ÂM DIGITAL
Hệ thống âm thanh được bài trí gọn gàng và cân đối. Điểm nhấn là kệ gỗ hai tầng đặt các thiết bị điện tử. Tầng dưới của kệ để bộ Transport-DAC và pre-ampli, tầng trên đặt ampli công suất và bộ passive cross-over, hai loa lớn đặt hai bên kệ gỗ hơ nhô lên phía trước so với kệ máy. Anh cũng không quên đặt hai máy băng cối phía trước nhằm tạo thêm vẻ duyên dáng cho bộ dàn.
Để cung cấp cho máy nguồn điện dồi dào và sạch sẽ, anh dùng biến áp cách ly và lọc điện công suất lớn 5kVA, được lắp ráp bởi một chuyên gia về biến áp cách ly và lộc nguồn ở Sài Gòn. Tiếp đến là phần nguồn digital gồm bộ Transport – DAC Esoteric P-30 và D-30. Đây là bộ nguồn digital tương đối đẳng cấp. Nó sử dụng bộ cơ VRDS Neo danh tiếng của Teac. Phần DAC sử dụng 8 chip PCM-63P-K của Burr Brow (mỗi chanel 4 chip). Tín hiệu digital sau khi chuyển đổi thành analog được đưa vào pre-amp Tube DIY. Pre này sử dụng 2 bóng đèn 6SN7 loại “hun khói” của RCA.
Anh Sáu Ninh cho biết: “Sở dĩ tôi sử dụng kết cấu này là muốn âm thanh của hệ thống thật trung thực với nguồn âm. Âm thanh khi qua pre-amp ít bị can thiệp. Nó chỉ thần túy khuếch đại tín hiệu trước khi đưa vào phần khuếch đại công suất mà thôi”. Anh thổ lộ điều này với người ráp pre-amp và đã hoàn toàn mãn nguyện với chất lượng trình diễn của nó. Điều đặc biệt là pre-amp này đã có 3 ngõ ra, cho phép người chơi có thể nối đồng thời với nhiều tầng âm, rất tiện dụng cho cấu hình Tri-amp.
Tất cả tăng âm bóng đèn anh sử dụng chạy mạch SE của hãng Sun Audio (hãng audio ampli đèn nổi tiếng của Nhật Bản). Bên trong máy, Sun Audio không sử dụng mạch in thông thường mà đấu nối các chân linh kiện trực tiếp theo kiểu “point to point”, tạo đường đi ngắn nhất giữa các linh kiện nhằm giảm thiểu tối đa suy giảm tín hiệu âm thanh. Máy có thiết kế mạch khá tốt, đơn giản và hiệu quả trên nền tảng những linh kiện cơ bản rất tốt như transformer, choke, output transformer của Tamura (hãng sản xuất biến áp nổi tiếng Nhật Bản). Nhờ thiết kế này, các linh kiện như điện trở, tụ điện của Sun Audio rất dễ thay thế nâng cấp theo sở thích người chơi để có âm thanh như ý.
Sau khi mua các tăng âm này, anh đã thay thế và nâng cấp hầu hết linh kiện ở các vị trí quan trọng trong máy như tụ điện, điện trở và triết áp bằng những loại tốt hơn như volume – tụ Jensen, điện trở Kiwame, Riken, dây dẫn trong máy… Anh sử dụng những tăng âm có các loại bóng công suất khác nhau cho mỗi dải âm khác nhau, với mục đích khai thác tối ưu điểm của từng lại bóng công suất.
Phân tần thụ động cũng được anh đặt lắp ráp với yêu cầu khá khắt khe. Đây là 3 bộ phân tần độc lập trong khối chassis với các điểm cắt tần tương ứng 600Hz và 7kHz. Hệ thống này được chế tạo theo kiểu phân tần bậc 3 Li-Ri. Do đó, độ dốc cắt tương đối lớn (12dB/octave), giúp loa làm việc chính xác với tần số đã được phân định. Để đạt được âm thanh tốt nhất có thể, linh kiện của phân tần được chọn lọc rất kỹ, là loại tốt nhất hiện có trên thị trường, bao gồm những tụ điện hàng đầu của Jensen, hay cuộn dây dẹp bằng đồng lõi không khí của Mundorf. Các dây dẫn trong phân tần cũng là loại dây đồng OFC mạ bạc chất lượng cao.
Anh sử dụng hệ thống loa gồm các loa con và kèn của JBL, Altec. Thùng loa bass sử dụng woofer JBL LE14A, được đóng bằng ván MDF theo kiểu thùng hở. Loa woofer có đường kính 35,6cm, sử dụng nam châm Alnico thuộc dòng khá nổi tiếng và phổ thông của JBL. Nó sử dụng trong nhiều model la khác nhau của hãng: từ L220, C56 Dorian, L101 đến L55 và được dân DOY loa ưa chuộng.
Cũng như woofer, cặp loa anh sử dụng cho dải cao là củ JBL LE175 gắn với miệng kèn JBL 1217-1290. Loa này vốn là mid-hi, tần số có thể xuống đến 500Hz, dù diaphram của loa là 5,1cm với miệng 2,54cm. Nó sử dụng trong các thùng loa nổi tiếng như JBL Metrogon và JBL C40 Harkness. Với phần quan trọng đóng vai trò chính trong hệ thống phát thanh của loa là dải trung, anh ưu ái chọn củ loa của Altec được sử dụng trong hệ thống loa lừng danh Altec 288-16H gắn với kèn Altec 311-90 có miệng 3,8cm. Đây là một trong những kèn nổi tiếng của Altec với góc mở theo phương đứng và ngang lần lượt là 40 độ và 90 độ.
Cụ thể cách thức chia dải tần như sau:
Power đèn 2A3 single-end, công suất 3W, phụ trách dải trầm, đánh ở dải tần <600Hz cho loa JBL 14A
Power đèn 300B single-end, công suất 7W phụ trách dải trung, đánh ở dải tần 600Hz-7kHz, cho loa Altec Lansing 288-16H, kèn 311-90
Power đèn 45 single-end, công suất 1,5W, phụ trách dải cao >7kHz, đánh ra loa JBL LE175.
Trong hệ thống này, tất cả dây nguồn, dây tín hiệu và dây loa đều là DIY. Các jack RCA, bắp chuối hay jack cắm điện nguồn đều có chất lượng cao. Theo anh Sáu Ninh, mỗi người có quan điểm và cách chơi khác nhau. Và anh tạm hài lòng với âm thanh mà hệ thống đem lại.
HỆ THỐNG LOA TANNOY VỚI NGUỒN ÂM ANALOGUE
Đã từ lâu, chúng tôi biết anh Sáu Ninh là một trong những người tiên phong trong thú sưu tầm đầu băng cối và băng cối. Những chiếc máy mà âm thanh của nó đã quá quen thuộc với những người cùng thế hệ với anh. Họ muốn tìm về những hoài niệm, ký ức của tuổi trẻ trong những âm thanh nhừa nhựa từ sợi băng ma-nhé của các bả nhạc bất hủ, vang bóng một thời.
Anh chọn mua máy rất cẩn thận. Hầu hết đầu băng cối của anh còn rất mới và hoạt động tốt, có cái mua ở trong nước, có cái phải mua ở nước ngoài. Đến nay, bộ sưu tập máy và băng cối của anh khá đồ sộ. Vì niềm đam mê đó, anh đã xây dựng hệ thống âm thanh để thể hiện chất lượng âm analog mộc mạc này.
Phần nguồn analog trong hệ thống này là máy băng cối 2 track Otari MTR-12 (model đầu bảng của hãng sản xuất máy băng cối hàng đầu Nhật Bản). Thiết bị này là hãng chuyên dụng trong các phòng thu âm, đại phát thanh nên được thiết kế rất bền, tiện dụng. Các board mạch theo kiểu module dễ tháo lắp và linh kiện thật tốt, cho âm thanh chất lượng cao.
Phần khuếch đại âm thanh là bộ pre-power anh đặt Feeling Audio lắp ráp, trông rất tinh tế và sắc xảo. Pre dùng bóng ECC8100 và được ráp theo kiểu dual mono, power mono block. Mỗi block tầng đầu dùng bóng 5842, tầng công suất dùng hai bóng 300B ráp theo kiểu push-pull. Thiết bị cuối của hệ thống là cặp loa Tannoy Memory HE (cặp loa lớn trong dòng Prestige với đường kính 38,1cm) thuộc loại loa đồng trục hai đường tiếng.
THƯỞNG THỨC ÂM NHẠC
Sau hơn một giờ tìm hiểu các thiết bị và nghe anh Sáu Ninh giới thiệu hai hệ thống âm thanh, cũng như việc phối ghép giữa các thiết bị, chúng tôi yên vị để bắt đầu thưởng thức âm nhạc.
Đầu tiên, chúng tôi thưởng thức hệ thống loa nhiều đường tiếng của JBL và Altec. Anh chọn album quen thuộc Pearl Diver củaDavid Roth, nhẹ nhàng đặt đĩa vào Transport Esoteric. Đoạn intro của bản nhạc cất lên những nối guitar đầy đặn và uyển chuyển, giai điệu mộc mạc của hai chiếc guitar hòa quyện với giọng hát của David Roth thật ấm áp, ngọt ngào và gần gũi. Âm thanh cuồn cuộn tràn ngập căn phòng , đặc biệt trung âm của hệ thống rất rộng và dầy dặn. Yếu tố then chốt tạo nên đặc tính này là cặp loa 288-16H và kèn 311-90 của Altec.
Tiếp đến, anh chọn một bài rất quen thuộc Come Away With Me trong album cùng tên của ca sĩ Norah Jones. Lần này, hệ thống thể hiện âm thanh thật tách bạch, từng tiếng symbal hiện diện rõ ràng, từng nốt con-tra bass càng tròn, giọng hát của Norah Jones nhẹ nhàng với những lời tâm sự đầy cảm xúc. Để thể hiện ưu điểm nổi trội của hệ thống, anh cho chúng tôi thưởng thức một bản saxo My Romance của Gene Ammons trong album Boss Tenor ghi âm năm 1960/ Âm thanh chỉ biết rõ ràng, tiếng kèn tenor saxo vang lên đầy đặn, quến rũ và da diết. Không cần tập trung cao độ mà chúng tôi vẫn nhận tháy một sân khấu âm thanh hiện diện ngay trong phòng nghe, từng lớp âm thanh, nhạc cụ được hệ thống thể hiện rõ ràng.
Sau cùng, chúng tôi thưởng thức bản Dance Of The Tumblers có tiết tấu nhanh và mạnh.. Âm hanh vẫn khoáng đạt rõ ràng, từng lớp, từng lớp âm thanh nối tiếp nhau. Nhưng đến đoạn cao trào với hệ thống bộ gõ phức tạp, hệ thống xử lý chưa thật nhuyễn ở dải bass, cảm giác năng lượng để và không đạt đến cường độ đủ lớn mà dàn nhạc đã chơi. Nguyên nhân này có thể do power 2A3 sing-end công suất 3W không đủ mạnh để thể hiện và kiểm soát bộ loa. Đây chính là điểm mà dự điẹnh sẽ khắc phục và nâng cấp để hệ thống hoàn hiện hơn.
Sau khi thưởng thức âm thanh từ hệ thống digital, anh mời chúng tôi tiếp tục trải nghiệm với hệ thống analog. Nguồn nhạc là các bài hát Việt xưa, được anh sưu tập và chuyển từ băng cối 4 track, tốc độ 7,5 ips (19cm/ giây) sang băng cối 2 track, tốc độ 15 ips (38cm/giây). Việc chuyển đổi này làm cho âm thanh dễ nghe hơn nhiều so với những cuốn băng gốc cũ. Song ngược lại cũng rất tốn băng.
Với những cuốn băng anh thử, chất lượng âm thanh của chúng còn tốt đến mức không ai ngờ rằng: những bản ghi này ra đời cách dây hàng chục năm. Âm thanh từ những bản nhạc thật truyền cảm, xúc động. Qua hệ thống này, giọng hát của Khánh Ly thật ngọt ngào, đầy đặn, không tạo cho chúng tôi cảm giác gai gai, cũng gắt như thường thấy. Những bản nhạc trừ tình như: Lòng Mẹ, Hai sắc hoa tigôn… được các danh ca một thời thể hiện với niềm cảm xúc chứa chan. Có lẽ, chúng tôi chưa bao giờ được nghe âm thanh của dòng nhạc Việt xưa hay đến vậy. Có thể, vì vậy ngày càng nhiều người sưu tầm và săn lùng những album nhạc xưa. Ngoài giá trị sưu tầm, người nghe còn có thể dễ dàng cảm nhận được sự tôn trọng khán thính giả của các ca sĩ thời ấy bằng những cảm xúc âm nhạc mà họ thể hiện, những cống hiến hết mình của nhạc công và tâm hyết của những người phụ trách kỹ thuật hòa âm, phối khí.
Mải nghe nhạc, đêm đã về khuya lúc nào không hay. Trước khi ra về, chúng tôi cảm ơn anh Sáu Ninh đã dành tặng dịp thưởng thức âm nhạc thật tuyệt vời. Tiễn chúng tôi, anh Sáu Ninh không quên mời lần sau ghé thăm. Khi đó, anh sẽ giới thiệu bộ sưu tập đầu băng cối và hệ thống mà anh dày công sưu tầm.
Theo Nghe Nhìn Việt Nam