Tiêu Điểm
Chuẩn phát Streaming tốt hơn so với chuẩn USB?
Cách đây không lâu, nguồn âm số với đại diện là các bộ giải mã tín hiệu dùng kèm với máy tính thông qua chuẩn kết nối USB với những ưu điểm tuyệt vời của mình không những về chất lượng âm thanh mà còn về tính đa năng, tiện dụng đã từng bước thay thế dần các hệ thống đầu đọc CD/SACD. Với những tần số lấy mẫu cao: 96 kHz, 192 kHz… DSD, hệ thống nguồn âm số đòi hỏi hệ thống truyển dẫn phải có băng thông cao và độ trễ tín hiệu cực thấp, chính vì thể chuẩn kết nối USB bất đồng bộ – Asynchrnous USB đã ra đời, thay thế cho chuẩn USB đồng bộ nhiều hạn chế trước đó.
Đầu phát Streamer ES của Accustic Arts (Đức)
Song song với chuẩn phát từ máy tính thông qua kết nối USB, chuẩn phát tín hiệu Streaming thông qua kết nối mạng Ethernet cũng được phát triển để tận dụng những ưu điểm tuyệt vời từ nguồn âm số. Chuẩn Streaming sử dụng một Streaming audio player là dạng thiết bị cho phép người dùng lựa chọn nguồn nhạc (từ máy chủ) theo ý thích và phát những bản nhạc độc lập và trực tiếp mà không cần máy chủ phải phát nó. Nguồn nhạc thì có thể từ Internet Radio (hiện chưa phổ biến ở Việt Nam) hoặc chính từ bộ sưu tập nhạc của bạn được lưu giữ trên máy tính và được duyệt thông qua mạng nội bộ (LAN).
Một cách đơn giản, hệ thống phát Streaming bao gồm tối thiểu 2 thiết bị: Máy chủ chứa nhạc (Media Server) thường là máy tính và Máy con phát nhạc (Streaming audio player). Vậy giữa chuẩn phát streaming và chuẩn USB đâu mới là sự lựa chọn tối ưu?
Để trả lời câu hỏi này, cần có một chút kiến thức liên quan đến các chuyên ngành máy tính & mạng máy tính, tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng diễn đạt một cách đơn giản nhất. Về cơ bản, chuẩn kết nối mạng Ethernet (bao gồm kết nối dùng dây dẫn LAN và kết nối không dây WLAN) và USB đều thuộc lớp thứ 1 – lớp vật lý trong mô hình 7 lớp OSI.
Mô hình 7 lớp OSI
Khi phát một file nhạc bất kỳ trên máy tính, nó sẽ được chia thành nhiều gói dữ liệu nhỏ hơn. Các gói dữ liệu của chuẩn USB thường có kích thước tương đối lớn, do vậy độ trễ (latency) đối với gói dữ liệu có kích thước 1 gigabit thường vào khoảng 940ns; Trong khi đó, chuẩn Ethernet chia các gói dữ liệu nhỏ hơn nên độ trễ thấp hơn – chỉ vào khoảng 96ns trên một gigabit. Đây chính là lợi điểm đầu tiên của kế nối Ethernet so với kết nối USB.
Khi bạn sử dụng chuẩn USB, bạn cần phải có một chương trình phát nhạc chạy trên máy tính và USB chỉ đóng vai trò giải mã tín hiệu. Ví dụ như tôi đang dùng chương trình Jplay, chuẩn USB sẽ sử dụng ứng dụng phát Jplay hoạt động như một chương trình chạy trên hệ điều hành, chính vì thế, nó thuộc về lớp thứ 5, 6 và 7 trên mô hình OSI. Có một nguyên tắc khá đơn giản trong mô hình 7 lớp OSI là các lớp thấp hơn sẽ cho âm thanh tốt hơn và độ trễ thấp hơn.
C1 Reference Digital to Analog Controller hỗ trợ cả chuẩn USB và Enthernet
Để có được âm thanh tốt nhất, bạn không nên sử dụng hệ điều hành phức tạp nhiều chương trình và ứng dụng chạy nền bên dưới. Chính vì thế, streaming ra đời. Nó sử dụng một bộ mã đơn giản nhỏ gọn được cài đặt trên chip FPGA tích hợp bên trong các đầu phát streamer, chỉ có thành phần phát nhạc hoạt động, không hề có các chương trình, ứng dụng chạy nền phức tạp như trên Windows hay các hệ điều hành khác, chính điều này sẽ cải thiện chất lượng âm thanh rất nhiều so với một hệ thống được phát trên một hệ điều hành.
Chúng tôi thử nghiệm với model C1 Reference Digital to Analog Controller của hãng CH Precision – Thụy Sỹ, được trang bị đồng thời chuẩn kết nối USB và chuẩn mạng Ethernet (nâng cấp đi kèm) và một chiếc máy tính đóng vai trò nguồn phát / máy chủ. Kết quả: Chất lượng âm thanh phát streaming thông qua kết nối Ethernet tốt hơn hẳn so với USB, độ kiểm soát tốt hơn, mềm dẻo hơn, chi tiết hơn và đặc biệt là analog hơn. Giờ đây, bạn có thể tạm quên những rắc rối phức tạp đi kèm cùng hệ điều hành trên máy tính và tận hưởng những âm thanh tuyệt vời.
Theo Hifi VietNam