Tiêu Điểm
Trên 50 năm hoạt động âm nhạc – Lam Phương
Lam Phương (sinh 20 tháng 3 năm 1937), tên thật là Lâm Đình Phùng, là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng.
Ông sinh ra ở làng Vĩnh Thanh Vân, hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng 200 tác phẩm.
Khi mới 15 tuổi ông đã sáng tác bản “Chiều thu ấy” nhưng mãi đến năm 1954 ông mới nổi danh với hai bài “Kiếp nghèo” và “Chuyến đò vĩ tuyến”.
Nhạc của ông chuộng điệu mambo nhưng đa dạng với rất nhiều đề tài. Nói lên cảm xúc về cuộc di cư năm 1954 có “Chuyến đò vĩ tuyến”, “Nhạc rừng khuya”,” Đoàn người lữ thứ” và “Nắng đẹp miền Nam”.
Năm 1958 ông nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa và nhạc của ông cũng phản ảnh chiến cuộc với những bản “Tình anh lính chiến”, “Chiều hành quân”, “Đêm dài chiến tuyến”. Ông tham gia với Đài Phát thanh Quân đội và Biệt đoàn Văn nghệ.
Ngoài sinh hoạt âm nhạc, ông còn cộng tác với ban kịch Thẩm Thúy Hằng và ban kịch “Sống” của kịch sĩ Túy Hồng.
Năm 1975 ông rời Sài Gòn trên con tàu “Trường Xuân” với 4.000 người vào ngày 30 tháng 4. Tàu hỏng máy nhưng được một thương thuyền Đan Mạch kéo vào Hương Cảng tỵ nạn. Lam Phương được định cư đi Mỹ nhưng sau rời sang Paris, Pháp.
Thời gian ở hải ngoại sáng tác của ông mang tính cách tình cảm hơn.
Năm 1995 ông trở về định cư ở Hoa Kỳ.
Đầu năm 1999 Lam Phương bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Sức khỏe đã phục hồi một phần tuy không được như xưa.
Các thế hệ ca sĩ nổi tiếng theo dòng nhạc trữ tình đều trưởng thành từ dòng nhạc của Lam Phương.
Con mắt việt xin chia sẻ về đời sống của nhạc sĩ Lam Phương.
Nguồn tác giả : Trường Kỳ