NGHE VÀ CẢM NHẬN NHẠC NHƯ THẾ NÀO ?

FBShare
Ghi nhớ trang

Tất cả chúng ta đều nghe nhạc tuỳ theo khả năng riêng biệt của từng người. Nhưng, để tiện cho việc phân tích, toàn bộ quá trình nghe nhạc có thể trở nên sáng tỏ hơn nếu chúng ta chia nó ra thành những bộ phận cấu thành, có thể nói như vậy.

Theo một nghĩa nào đó, mọi người chúng ta đều nghe nhạc trên ba bình diện tách biệt. Vì thiếu thuật ngữ chính xác hơn, ta có thể đặt tên ba bình diện đó như sau:

– một, bình diện giác quan;
– hai, bình diện biểu đạt;
– ba, bình diện thuần tuý âm nhạc.

Lợi điểm duy nhất của việc phân chia một cách máy móc quá trình nghe nhạc thành ba bình diện giả định trên chỉ là để có được cái nhìn sáng tỏ hơn về việc chúng ta nghe nhạc như thế nào.

Cách đơn giản nhất để nghe nhạc là nghe chỉ thuần vì niềm thích thú thưởng thức thanh âm. Đó là bình diện giác quan. Là bình diện trên đó chúng ta nghe nhạc mà không nghĩ ngợi gì khác, không có suy tưởng bất kì nào về nhạc. Chúng ta mở radio trong khi làm công việc gì đó, và lơ đãng đắm mình vào các thanh âm. Khi đó, thuần là do sức lôi cuốn của tiếng nhạc đã khiến nảy sinh nơi chúng ta một trạng thái tâm trí thật thích thú nhưng không có sự tham dự của đầu óc.

Có thể bạn đang ngồi đọc sách này trong một căn phòng. Hãy tưởng tượng một nốt nhạc bỗng vang lên từ cây đàn dương cầm. Ngay tức khắc, chỉ một nốt nhạc đó thôi cũng đủ để làm thay đổi không khí của căn phòng – điều này chứng tỏ rằng yếu tố thanh âm trong nhạc là một tác tố đầy sức mạnh và đầy bí ẩn, và sẽ thật điên rồ khi nhạo báng hoặc xem thường nó.

Điều kì lạ là nhiều người, vốn tự nhận là những người yêu nhạc theo nghĩa có đủ trình độ chuyên môn, lại lạm dụng bình diện này khi họ nghe nhạc. Họ tới dự những buổi hòa nhạc để đắm mình vào đó. Họ sử dụng âm nhạc như một nguồn an ủi hoặc một nơi đào thoát. Họ bước vào một thế giới lí tưởng nơi đó con người khỏi phải nghĩ về những thực tại của đời thường. Dĩ nhiên khi đó họ cũng chẳng nghĩ ngợi gì về âm nhạc. Khi đó âm nhạc giúp họ rời bỏ chính nó, và họ đi vào một cõi riêng để mơ mộng, mơ mộng vì có nhạc, nhân có nhạc, tuy vậy lại hầu như không nghe nhạc.

Đúng vậy, sức lôi cuốn của tiếng nhạc là một lực có sức thuyết phục mạnh mẽ và là một lực có tính nguyên sơ, nhưng bạn không thể để nó chiếm đoạt tới mức làm mất sự cân xứng mối quan tâm của bạn.

Bình diện giác quan giữ địa vị quan trọng trong âm nhạc, phải nói là rất quan trọng, nhưng một mình nó không làm nên toàn bộ câu chuyện chúng ta đang đề cập.Không cần phải dài dòng hơn, khiến có thể lạc đề, về bình diện giác quan này. Sức lôi cuốn của nó đối với bất kì một người bình thường nào, là hiển nhiên, tự thân nó đã rõ ràng. Tuy nhiên cần lưu ý là có vấn đề như sau : người ta có thể nhạy cảm hơn trước những loại thanh âm nào đó được sử dụng bởi nhiều nhà soạn nhạc khác nhau. Bởi lẽ những nhà soạn nhạc không sử dụng những thanh âm xét như những chất liệu theo cùng một cách. Xin đừng rút ra ý tưởng rằng giá trị của âm nhạc tương xứng với sức lôi cuốn về mặt giác quan, hoặc rằng tiếng nhạc du dương nhất ắt phải do nhà soạn nhạc vĩ đại nhất sáng tạo ra. Nếu như  điều đó là đúng, thì Ravel đã phải là nhà sáng tạo vĩ đại hơn Beethoven. Vấn đề là yếu tố thanh âm thay đổi với từng nhà soạn nhạc, rằng cách sử dụng thanh âm của ông ta tạo nên một bộ phận không thể thiếu trong phong cách của ông ta và điều này phải được xét đến trong khi nghe nhạc.

Do đó, người đọc bài này có thể thấy rằng cách tiếp cận có ý thức hơn là điều rất có giá trị ngay cả trên bình diện sơ đẳng là bình diện giác quan của quá trình nghe nhạc.

 

Bình diện thứ nhì trên đó âm nhạc hiện hữu, như tôi đã nêu trên, là bình diện biểu đạt. Tại đây, lập tức chúng ta bước vào một lãnh vực  gây tranh cãi. Các  nhà soạn nhạc có biệt tài lảng tránh bất kì thảo luận nào liên quan tới khía cạnh biểu đạt của âm nhạc. Chẳng phải chính Stravinsky đã tuyên bố rằng âm nhạc của ông ta là một “đối tượng”, một “sự vật”, có một cuộc sống riêng của nó, và nó không có một ý nghĩa nào khác ngoài sự hiện hữu thuần tuý là âm nhạc ? Thái độ không khoan nhượng này của Stravinsky có thể do sự kiện là nhiều người cứ cố gắng đọc ra nhiều ý nghĩa khác nhau trong nhiều nhạc phẩm.

Có trời biết là khó khăn biết mấy để nói ra chính xác điều mà một nhạc phẩm muốn nói, nói ra một cách rõ ràng, dứt khoát, để cuối cùng bất kì ai cũng thỏa mãn với lời giải thích của bạn. Nhưng không vì thế mà chúng ta rớt vào cực đoan ở đầu bên kia, là phủ nhận cái quyền được “biểu đạt” của âm nhạc.

Đây là niềm tin riêng của tôi, rằng mọi loại âm nhạc đều có khả năng biểu đạt, có khác nhau về mức độ nhiều hay ít, rằng mọi loại âm nhạc đều có một ý nghĩa tiềm ẩn  sau những nốt nhạc, và rằng ý nghĩa ấy, xét cho cùng, tạo nên điều mà nhạc phẩm muốn nói, muốn đề cập tới.

Toàn bộ vấn đề có thể được diễn tả đơn giản qua câu hỏi “Âm nhạc có một ý nghĩa nào không ?” Câu trả lời của tôi sẽ là “Có”. “Vậy bạn có thể phát biểu thành lời rằng ý nghĩa đó là gì không ?”. Câu trả lời của tôi sẽ là “Không”. Sự khó khăn của vấn đề nằm tại điểm này.Những tâm hồn giản dị chất phác sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn với câu trả lời thứ hai trên đây. Họ luôn muốn rằng âm nhạc phải có một ý nghĩa, và ý nghĩa đó càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Một nhạc phẩm nào đó càng khiến họ nhớ tới một chuyến tàu, một cơn bão, một đám tang, hoặc bất kì một khái niệm quen thuộc nào, thì nhạc phẩm đó đối với họ xem chừng càng có tính biểu đạt bấy nhiêu. Ý tưởng phổ biến này về ý nghĩa của âm nhạc – được khuyến khích và tiếp tay bởi những người bình giải âm nhạc ở mức độ trung bình – cần phải được ngăn chặn ở bất kì nơi đâu, bất kì lúc nào mà nó xuất hiện.

Có một lần một quí bà nhút nhát đã thú nhận với tôi rằng bà ta ngờ rằng trong khả năng cảm thụ âm nhạc của bà ta có thiếu một cái gì đó thật trầm trọng bởi lẽ bà ta không thể nối kết nhạc phẩm nghe được với một điều cụ thể, xác định nào đó. Dĩ nhiên, như vậy là đẩy lùi toàn bộ vấn đề.Mặc dù vậy, vấn đề vẫn còn đó : Người yêu nhạc một cách thông minh, hiểu biết, có thể trông đợi sẽ gán được một ý nghĩa xác định gần gũi tới mức nào đối với một nhạc phẩm cá biệt nào đó? Không gần gũi hơn một khái niệm tổng quát, chỉ thế thôi, tôi cho là vậy.

Âm nhạc biểu đạt, ở những thời khắc khác nhau, nỗi thanh thản hay là niềm phấn khích, sự nuối tiếc hay là niềm vui chiến thắng, cơn cuồng nộ hoặc niềm thích thú. Âm nhạc biểu đạt từng tâm trạng trong số những tâm trạng trên và còn nhiều tâm trạng khác nữa, qua sự đa dạng vô hạn của những sắc thái và dị biệt tế vi. Thậm chí nó còn diễn đạt được một dạng ý nghĩa nào đó mà chẳng có một ngôn ngữ nào có được từ thích hợp để gọi tên. Trong trường hợp như vậy, các nhạc sĩ thường thích nói rằng âm nhạc chỉ có một ý nghĩa thuần tuý âm nhạc.

Đôi khi họ đi xa hơn và nói rằng mọi âm nhạc chỉ có một ý nghĩa thuần tuý âm nhạc. Điều mà họ thực sự muốn nói, là không có ngôn từ thích hợp để biểu đạt ý nghĩa của âm nhạc, và giả như là có, thì họ cũng chẳng cảm thấy là cần phải tìm cho ra ngôn từ thích hợp đó.Nhưng cho dù người nhạc sĩ chuyên nghiệp có quan điểm như thế nào, phần đông những người mới vào nghề nhạc vẫn tìm kiếm những từ đặc tả để xác định những phản ứng âm nhạc của họ. Đó là lí do tại sao họ luôn cảm thấy Tchaikovsky thì dễ “hiểu” hơn Beethoven. Sở dĩ vậy, trước hết, là vì dễ tìm một từ để gán nghĩa cho một nhạc phẩm của Tchaikovsky hơn là của Beethoven. Phải nói là dễ hơn nhiều. Lại nữa, với nhà soạn nhạc người Nga này, mỗi lần bạn trở lại với một nhạc phẩm của ông ta, thì hầu như nhạc phẩm đó luôn nói với bạn về cùng một điều; trong khi đó, với Beethoven, thường là rất  khó để bạn xác định rằng nhạc phẩm của ông ta nói với bạn điều gì. Và bất kì nhạc sĩ nào cũng sẽ nói với bạn rằng chính vì lí do đó mà Beethoven được coi là nhà soạn nhạc vĩ đại hơn.

Bởi lẽ nếu một loại nhạc nào bao giờ cũng chỉ nói với bạn một điều duy nhất, loại nhạc đó ắt hẳn sẽ mau chóng trở nên buồn tẻ nhàm chán; nhưng với loại nhạc mà mỗi lần nghe bạn lại cảm nhận một ý nghĩa được đổi khác đi, một chút thôi, ắt hẳn loại nhạc đó có nhiều triển vọng hơn để còn là sinh động lâu dài.Nếu có thể, bạn hãy lắng nghe 48 chủ đề fuga Well Tempered Clavichord của Bach. Hãy lắng nghe từng chủ đề một, lần lượt nối tiếp nhau. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng mỗi chủ đề phản ánh một một thế giới cảm nhận khác biệt. Bạn cũng sẽ sớm nhận ra rằng một chủ đề mà với bạn càng đẹp đẽ bao nhiêu thì càng khó khăn bấy nhiêu để tìm ngôn từ thích hợp cho chủ đề đó, sự thích hợp khiến bạn có thể hoàn toàn thỏa mãn. Vâng, hiển nhiên là bạn có thể biết là chủ đề đó nói về niềm vui hay nỗi buồn.

Nói cách khác, bạn có thể, trong tâm trí bạn, vẽ ra một khung của cảm nhận gây xúc động quanh chủ đề của bạn. Hãy thử nghiên cứu chủ đề nói về nỗi buồn, một cách sâu sát hơn. Hãy cố gắng minh định tính chất chính xác của nỗi buồn đó. Là nỗi buồn đầy bi quan yếm thế hay là nỗi buồn cam chịu nhẫn nhục, là nỗi buồn mang màu số kiếp hay là nỗi buồn hứa hẹn nụ cười?Hãy giả dụ rằng bạn may mắn diễn tả thỏa được lòng bạn bằng những ngôn từ chỉ ra cái ý nghĩa chính xác của chủ đề bạn đã chọn. Thì vẫn chẳng có gì bảo đảm rằng những người khác cũng sẽ được thỏa mãn như bạn. Họ cũng chẳng cần phải như vậy. Điều quan trọng là mỗi người cảm nhận cho riêng mình cái tính chất biểu đạt đặc trưng của một chủ đề hoặc là, tương tự vậy, của toàn bộ một nhạc phẩm. Và nếu đó là một tác phẩm nghệ thuật lớn, bạn chẳng nên trông chờ rằng nó bao giờ cũng truyền đạt tới bạn một cách chính xác cùng một ý nghĩa mỗi lần bạn trở lại với nó.Tất nhiên là những chủ đề hoặc những nhạc phẩm không buộc phải biểu đạt chỉ một cảm xúc.

Hãy thử xét một chủ đề như chủ đề chính đầu tiên của Ninth Symphony chẳng hạn. Rõ ràng là nó được cấu thành từ nhiều yếu tố khác biệt. Nó không chỉ nói lên một điều. Tuy nhiên bất kì ai nghe nó đều tức khắc có được một cảm nhận về sức mạnh, một cảm nhận về quyền lực. Không phải là quyền lực đó có được chỉ đơn giản là do chủ đề được diễn tấu với âm lượng lớn. Đó là một quyền lực nội tại trong bản thân chủ đề. Sức mạnh và sự mãnh liệt kỳ lạ của chủ đề đã làm nảy sinh nơi sự thu nhận của người nghe một ấn tượng rằng một lời diễn đạt mạnh mẽ đã được hình thành. Nhưng ta chẳng bao giờ nên cố công cô đọng nó thành cái gì đại loại như “tiếng búa gõ định mệnh của cuộc đời”, vân vân. Đó chính là điểm bắt đầu gây bối rối, tranh cãi. Người nhạc sĩ thì bực dọc tuyên bố rằng chủ đề chẳng nói lên điều gì ngoài chính những nốt nhạc, trong khi đó người không chuyên lại quá bận tâm tới việc bám chặt lấy một cách lí giải nào đó nhằm mang lại cho anh ta cái ảo tưởng là tiếp cận được cái ý nghĩa của âm nhạc.

Giờ đây, có lẽ là người đọc hiểu rõ hơn điều tôi muốn chỉ ra, khi tôi nói rằng âm nhạc hẳn là có một ý nghĩa biểu đạt, nhưng chúng ta không thể diễn thành lời cái ý nghĩa đó.

Bình diện thứ ba trên đó âm nhạc hiện hữu là bình diện thuần túy âm nhạc. Ngoài tiếng nhạc mang lại thích thú và cảm nhận về ý nghĩa biểu đạt mà âm nhạc cống hiến cho chúng ta, thì âm nhạc còn hiện hữu nhờ vào chính những nốt nhạc và sự vận động của chúng. Phần lớn người nghe nhạc không ý thức một cách đầy đủ về bình diện thứ ba này. Nhiệm vụ của sách này, phần lớn, là khiến người nghe ý thức nhiều hơn nữa về âm nhạc trên bình diện thứ ba này.

Mặt khác, những nhạc sĩ chuyên nghiệp lại chỉ bận tâm về chính những nốt nhạc, nếu ta có thể nói được như thế. Họ thường rơi vào sai lầm là quá mải mê với những hợp âm rải, những nốt giật của họ, khiến họ quên đi những khía cạnh sâu xa hơn của nhạc phẩm họ đang diễn tấu. Nhưng từ quan điểm của người không chuyên, vấn đề không phải là khắc phục những thói quen xấu trên bình diện thuần tuý âm nhạc cho bằng vấn đề làm thế nào để có ý thức hơn nữa về điều gì đang diễn ra,  tới mức mà chính những nốt nhạc được quan tâm tới.Khi một người bình thường lắng nghe “chính những nốt nhạc”, với một mức tập trung nào đó, rất có khả năng là anh ta sẽ lưu ý tới giai điệu. Hoặc là anh ta nghe được một giai điệu đẹp, hoặc là không, và thường thì anh ta không nói gì thêm về điều đó.

Kế tiếp, có thể anh ta lưu ý tới nhịp điệu / tiết tấu, đặc biệt nếu nhịp điệu / tiết tấu đó nghe chừng kích động. Nhưng hoà âm và âm sắc thì hẳn là dĩ nhiên rồi, nếu như chúng được ý thức một cách đầy đủ. Còn về vấn đề nhạc phẩm đó có cấu hình xác định nào, ý tưởng này xem ra anh ta chẳng bao giờ quan tâm tới.

Với tất cả chúng ta, điều rất quan trọng là chúng ta phải trở nên sinh động hơn đối với âm nhạc trên bình diện thuần túy âm nhạc. Nói cho cùng, thì một chất liệu âm nhạc thực sự nào đó đã được sử dụng. Người nghe thông minh phải được chuẩn bị để có ý thức sâu đậm hơn nữa về chất liệu âm nhạc đó, và về điều gì xảy tới với chất liệu đó. Anh ta phải nghe ra những giai điệu, những nhịp điệu / tiết tấu, những hoà âm, những âm sắc theo cách thế có ý thức nhiều hơn nữa. Nhưng trên hết, để có thể theo được dòng suy tưởng của nhà soạn nhạc, anh ta phải hiểu biết đôi điều về những nguyên tắc của cấu hình nhạc. Lắng nghe tất cả những yếu tố này chính là lắng nghe trên bình diện thuần tuý âm nhạc.Xin được nhắc lại rằng tôi đã phân chia một cách máy móc thành ba bình diện tách biệt trên đó chúng ta lắng nghe nhạc, là chỉ nhằm giúp làm vấn đề được sáng tỏ hơn.

Thực ra, chẳng bao giờ chúng ta nghe nhạc trên một bình diện riêng lẻ nào trong ba bình diện nêu trên. Điều chúng ta làm, khi nghe nhạc, là nối kết ba bình diện đó – nghe theo cả ba cách cùng một lúc. Điều đó không đòi hỏi nỗ lực tinh thần, bởi lẽ chúng ta thực hiện điều đó theo bản năng.Có lẽ một sự tương đồng với điều xảy tới với chúng ta khi chúng ta đi xem kịch sẽ làm cho sự nối kết bằng bản năng nói trên được sáng tỏ hơn.

Trong rạp hát, bạn để ý tới các nam nữ diễn viên, tới y phục, phông cảnh, âm thanh, cử động. Tất cả những thứ đó cho chúng ta cái cảm nhận rằng rạp hát là nơi thích thú. Chúng tạo nên bình diện giác quan trong phản ứng về nghệ thuật kịch của chúng ta.Bình diện biểu đạt trong kịch nghệ bắt nguồn từ cảm nhận bạn có được do những gì diễn ra trên sân khấu. Bạn bị xúc động khiến mủi lòng, phấn khích hoặc hoan hỉ. Cảm nhận nói chung này, được sản sinh thêm vào những lời thoại đặc thù được diễn viên nói ra, một điều gì đó gây xúc động và là xác thực đang diễn ra trên sân khấu, là cái tương đồng với tính chất biểu đạt trong âm nhạc. Còn cốt truyện và sự triển khai của cốt truyện thì tương đương với bình diện thuần tuý âm nhạc của chúng ta. Nhà viết kịch sáng tạo và triển khai một nhân vật theo cùng một cách như  nhà soạn nhạc sáng tạo và triển khai một chủ đề. Tuỳ theo mức độ ý thức của bạn về cách mà người nghệ sĩ trong cả hai lãnh vực trên xử lí chất liệu của họ, mà bạn trở thành người nghe thông minh ở mức độ tương ứng nào đó.Thật dễ thấy rằng người xem kịch chẳng khi nào lại ý thức về từng yếu tố biệt lập nói trên. Anh ta có ý thức về tất cả những yếu tố đó cùng một lúc. Điều này cũng đúng với việc nghe nhạc.

Chúng ta lắng nghe trên cả ba bình diện cùng một lúc và không hề suy nghĩ về điều đó.Hiểu theo một nghĩa nào đó, thì người nghe nhạc lí tưởng, trong cùng một lúc, vừa ở trong vừa ở ngoài âm nhạc; anh ta vừa phê phán nó vừa thưởng thức nó, vừa muốn nó đi theo chiều này vừa ngắm nhìn nó tiến về nẻo khác – hầu như  giống với nhà soạn nhạc vào thời điểm ông ta đang sáng tác; bởi lẽ để sáng tác được, nhà soạn nhạc cũng buộc phải vừa ở trong vừa ở ngoài âm nhạc của ông ta, bị nó kích động nhưng vẫn đủ lạnh lùng để tỉnh táo phê phán nó. Một thái độ vừa chủ quan vừa khách quan hàm chứa trong cả hai hoạt động sáng tạo cũng như thưởng thức âm nhạc.Như thế, điều mà người đọc bài này phải nỗ lực để đạt được, là một cách nghe nhạc có tính chủ động hơn. Dù là bạn nghe nhạc Mozart hay nhạc Duke Ellington, bạn chỉ có thể am hiểu nhạc một cách thâm trầm hơn bằng cách trở thành một người nghe nhạc có ý thức hơn và hiểu biết hơn – không phải một người chỉ nghe không thôi, mà là một người đang chú ý lắng nghe một điều gì đó.

Vài thuật ngữ
Hợp âm rải, arpeggio: những nốt nhạc của một hợp âm được chơi nhanh, nối tiếp nhau, không phải là đồng thời như một hợp âm đúng nghĩa.
Những nốt giật, staccato notes: những âm ngắn nối tiếp nhau, rõ ràng, tách biệt, không êm.
Giai điệu: chuỗi âm thanh có tổ chức hoàn chỉnh.
Nhịp điệu / tiết tấu: sự lặp lại đều đặn các quãng thời gian bằng nhau làm nền cho nhạc, tỉ như nhịp 2/4, 3/4, …
Hoà âm: liên kết các hợp âm để nâng cao nội dung giai điệu.
Hợp âm: âm hưởng hỗn hợp do nhiều âm có độ cao khác nhau cùng phát ra một lúc tạo nên.
Âm sắc: đặc trưng của âm, làm phân biệt các âm cùng độ cao và độ mạnh; cùng một nốt nhạc, tấu bởi hai nhạc cụ khác nhau sẽ cho âm sắc khác nhau.
Cấu hình nhạc, tạm hiểu như sau: âm nhạc gồm bốn chất liệu chính, là giai điệu, tiết tấu, âm sắc và hoà âm; cấu hình nhạc là cách mà bốn chất liệu đó phối hợp với nhau để tạo nên một thể thống nhất.